Nhạc cụ Cồng chiêng là gì ?

Nhạc cụ Cồng chiêng là gì ?

Cồng Chiêng là nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Nghệ nhân dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh. Cồng Chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao.

Nghệ nhân chỉnh Chiêng hay người điều khiển giàn Chiêng là một nhạc công giỏi, có khả năng thẩm âm, biết phát hiện và chỉnh sửa thanh âm lạc điệu của từng Chiêng để đạt được âm thanh chuẩn của cả giàn Chiêng. Nghệ nhân chỉnh Chiêng không chỉ chỉnh âm cho các chiếc Chiêng sai âm, mà còn chỉnh âm cho các giàn Chiêng mới. Nghệ nhân chỉnh Chiêng được coi là báu vật dân gian sống, bao hàm tính truyền thống và tính khoa học, không chỉ đơn thuần là một kỹ thuật viên.

Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005. Sau Nhã Nhạc Cung Đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này.
IMG_2290

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Jarai, Ba Na, Mạ, Lặc…

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: Cồng Chiêng, các bản nhạc tấu bằng Cồng Chiêng, những người chơi Cồng Chiêng, các lễ hội có sử dụng Cồng Chiêng (Lễ Mừng Lúa Mới, Lễ Cúng Bến Nước…), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,…), v.v.

Hiện tại, ở các vùng có Cồng Chiêng trên Tây Nguyên, Lễ Hội Cồng Chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm dành cho du lịch rất thịnh hành.
Lễ Hội Cồng Chiêng là một lễ hội được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hoá Cồng Chiêng trong đó Đắk Lắk là một điểm quan trọng và hay được chọn nhất do vị trí trung tâm văn hoá, chính trị, xã hội của khu vực Tây Nguyên nơi có nhiều Cồng Chiêng nhất ở Việt Nam.

IMG_2289

Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Đó không những là một sự kiện quan trọng của người dân Tây Nguyên mà còn cả với đất nước Việt Nam. Trong lễ hội nghệ nhân của các tỉnh trình bày, biểu diễn không gian văn hoá của dân tộc mình. Những lễ hội dân gian đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên được phục dựng lại, nhằm mục đích kêu gọi các cộng đồng này cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của họ.

“Một cảm giác hoành tráng, thiêng liêng sẽ trỗi dậy trong ta khi nghe dàn cồng chiêng Gia Rai và Bahnar trình diễn” (GS Tô Ngọc Thanh). Đó chính là cảm giác mà nhiều người đã trải nghiệm qua phần trình diễn của 40 nghệ nhân Bahnar với dàn cồng chiêng tái hiện lễ Đâm Trâu, Mừng Nhà Rông, Mừng Lúa Mới, Mừng Đám Cưới, Mừng Được Mùa, Bỏ Mả… Cồng chiêng Tây nguyên là nơi tiết tấu và giai điệu gặp nhau. Mỗi nhạc công chơi một nốt với một mô hình tiết tấu, kết hợp lại thành bè, thành giai điệu.

“Cồng Chiêng Tây Nguyên bảo lưu được hình thức diễn xướng tập thể – cộng đồng, hợp tấu bằng cách nghe nhau, tức phải có tâm linh cộng đồng ứng vào. Hoàn toàn xa lạ với việc cá nhân hóa, nghệ sĩ hóa người biểu diễn, văn hóa cồng chiêng chỉ còn ở Đông Nam Á, và nguyên thủy nhất là ở Tây nguyên”. (GS Tô Vũ khẳng định)

TS Vũ Nhật Thăng cho rằng cồng chiêng dựa theo hàng âm của ống hơi không khoét lỗ bấm – loại nhạc cụ lâu đời hơn và phổ biến ở Tây nguyên – “cũng có nghĩa là dựa theo thang âm của Trời, vừa thiêng liêng vừa độc đáo”.

Một nghệ thuật thiêng “Cồng Chiêng càng cổ bao nhiêu thì Thần Chiêng càng mạnh bấy nhiêu… Người chủ nhiều Cồng Chiêng không chỉ là người nhiều của cải mà cái chính là được sức mạnh của Thần Chiêng phù hộ” (Tô Ngọc Thanh).

“Dòng họ, làng nào có nhiều Cồng Chiêng sẽ được các dòng họ, làng khác nể nang, nghe theo. Già làng ở làng ấy có thể được tôn lên làm già làng cho cả một vùng” (Phạm Cao Đạt).

Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà một vài người trong vùng có thể đảm nhiệm việc “lên dây” Chiêng sau mỗi kỳ sử dụng thường chính là già làng.

Ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, người ta đã đem cồng đến đánh bên tai nó, gọi là lễ thổi tai. Chiêng Cồng luôn có mặt trong các lễ cúng từ khi con người còn là thai nhi trong bụng mẹ cho tới khi vĩnh biệt cuộc đời, chưa kể trong vô số nghi lễ nông nghiệp ở Tây Nguyên, kéo dài từ tháng ba đến tháng mười hai.

Trong mỗi lễ hội, Cồng Chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh (với thần), giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng.

 

“Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mải nghe đến quên làm hại người…” (Trường ca Đam San). Sử thi của người Êđê, M’Nông còn kể lại những cuộc “chiến tranh” giữa các bộ tộc nhằm chiếm đoạt cồng chiêng.

Người Xêđăng kể rằng: Thuở xa xưa có lần voi dữ tràn về phá rẫy, phá buôn. Con trai Xêđăng mang theo lao, tên lá cùng hợp sức tiêu diệt thú dữ, đánh nhau suốt mấy ngày đêm, sức tàn lực kiệt mà thú dữ càng hung tợn. Họ chỉ còn biết chắp tay cầu Yàng. Bỗng họ thấy đùn lên một ụ đất, đào xuống thấy một vật bằng đồng tròn như ông mặt trời to bốn người ôm mới xuể.

Gõ vào vật ấy phát ra tiếng trầm vang động núi rừng khiến đàn thú dữ ngơ ngác. Rồi các ụ đất liên tiếp mọc lên, mang theo các vật bằng đồng hình dáng tương tự nhưng nhỏ dần, âm càng cao. Khi đã có trong tay hơn 10 chiếc Chiêng, đồng thanh gõ lên thì tiếng trầm như thác đổ, tiếng cao như thác reo khiến voi dữ phải chạy vào rừng sâu…

“Các tộc người Tây Nguyên quan niệm nhạc cụ như con người – càng nhiều tuổi tiếng nói càng được tôn trọng. Cồng Chiêng càng lâu năm, trải qua nhiều lần nghi lễ càng thiêng” (Phạm Nam Thanh).

 

Những bộ Chiêng tiếng hay và thiêng có giá trị tính bằng 1-2 con voi hoặc 40 con trâu. Người B’Râu cho rằng Chiêng Tha (gồm hai chiếc chồng và vợ) chính là tổ tiên của họ. Đánh Chiêng họ gọi là “Gọ Tha Pơi”, nghĩa là “Mời Tha Nói”. Thủ tục để mở một bài Chiêng rất khắt khe, phải cho Tha ăn, cho Tha uống, khấn mời trời đất và nhiều người đến chứng kiến…

Người Xêđăng Sdrá có Chiêng Buàr duy nhất một chiếc – chủ nhân phải cất rất kỹ, sợ người ngoài hoặc trẻ con không biết đem ra đánh thì khổ, sẽ bị già làng phạt nặng. Các dân tộc Tây Nguyên đều đặt tên Chiêng trong một bộ theo vai vế như trong một gia đình và phân biệt Chiêng thiêng (có Yàng trú ngụ) với Chiêng thường để dùng trong các dịp lễ trọng hoặc sinh hoạt thường ngày. Có bộ Chiêng chỉ được đánh khi có vật hiến sinh từ bò trở lên!

Dưới đây mình có các bài:

– Cồng Chiêng Tây Nguyên – Một số đặc điểm nghệ thuật cơ bản
– Bài bản và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên – Phần III
– Bài bản và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên – Phần III (Tiếp theo và hết)
– Nghệ thuật cồng chiêng Ê Đê – vài đặc điểm nổi bật
– Người giải mã cồng chiêng

Cùng với 4 clips diễn tấu Cồng Chiêng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Đặc biệt mình giới thiệu đến các bạn anh Bùi Trọng Hiền, người nhạc sĩ chịu nhiều thiệt thòi cá nhân, tận tụy một thời trong suốt thời kỳ điền giả nghiên cứu giải mả văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên giúp đệ trình bộ hồ sơ nghiên cứu Cồng Chiêng Tây Nguyên của anh cho cơ quan UNESCO để Việt Nam chúng ta có được một di sản phi vật thể vô giá của nhân loại như ngày nay. Sau khi duyệt qua toàn bộ hồ sơ đệ trình lên UNESCO, GS Trần Văn Khê đã từng tìm gặp anh và khẳng định rằng nhờ có bộ tài liệu nghên cứu của anh đã giúp cho GS hiểu tường tận hơn về nghệ thuật Cồng Chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đặc thù đầu màu sắc như thế nào. Mình muốn ghi nhận lời tri ân với anh nơi đây.

MUA NGAYTùy chọn thời gian giao hàng

Từ khóa:  

Bình luận

Giá: Liên Hệ

Gọi đặt mua: . (7:00 - 21:00)

Thông tin đặt hàng

Thumbnail

Nhạc cụ Cồng chiêng là gì ?

Đặt hàng

Đặt hàng trực tuyến qua là một giải pháp tuyệt vời nếu bạn ở tỉnh thành khác, hoặc không tiện đến với cửa hàng chúng tôi hoặc muốn tiết kiệm thời gian cho công việc khác

Đặt hàng thành công!

Đơn đặt hàng của bạn đã được gửi đi thành công, trong giờ mở cửa, chúng tôi sẽ gọi điện thoại lại cho bạn trong thời gian sớm nhất. Cám ơn bạn!

Đặt hàng thất bại!

Xin lỗi! Có vấn đề trong việc đặt hàng của bạn. Bạn vui lòng thử lại sau ít phút hoặc liên hệ ngay với chúng tôi theo hotline ở cuối trang web.